Giới thiệu về Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị Sóc Trăng

Lúa Tài nguyên có mặt trên địa bàn huyện Thạnh Trị rất lâu - từ những năm sau ngày giải phóng. Người dân cứ duy trì canh tác giống lúa này do thấy chất lượng gạo ngon và đặc điểm chỉ trồng được vụ Đông - Xuân. Nhiều bà con nông dân nói vui rằng: “Nếu thấy lúa Tài nguyên sắp tới ngày thu hoạch là có tiền chuẩn bị mua sắm, trang hoàng nhà cửa đón Tết Nguyên đán”.

Lợi thế của gạo Tài nguyên là ngọt cơm, mềm, xốp và đặc biệt là khi để qua đêm, chất lượng cơm vẫn giữ nguyên hương vị như lúc vừa mới nấu chín. Trải qua một thời gian dài canh tác, giống lúa này có nhiều sự thay đổi do tập quán của hộ dân và sự lẫn lộn với một số giống khác nên chất lượng gạo không ngon như trước.

Để lưu giữ giống lúa quý, huyện Thạnh Trị đã phối hợp Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long phục tráng lại giống lúa như ban đầu và triển khai đến người dân canh tác. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá “loại gạo ngon” đến rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, huyện Thạnh Trị đã đăng ký nhãn hiệu mang tên “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận.

undefined

Ông Lý Khoa - chủ DNTN Châu Hưng là đơn vị được huyện Thạnh Trị giao khai thác nhãn hiệu gạo Tài nguyên Thạnh Trị.

Để khai thác tốt nhãn hiệu “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị”, huyện Thạnh Trị đã giao lại cho doanh nghiệp gắn bó lâu đời cùng hạt gạo Tài nguyên là DNTN Châu Hưng ở thị trấn Hưng Lợi. Qua gần 6 tháng khai thác nhãn hiệu, ông Lý Khoa - chủ doanh nghiệp nhận thấy sự khác biệt rõ nét khi hạt gạo Tài nguyên Thạnh Trị có tên tuổi, địa chỉ được nhiều khách hàng quan tâm tìm đến đặt hàng và dùng thử.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khoa cho biết: “Tôi tiếp nối truyền thống của gia đình kinh doanh hạt lúa hơn 20 năm. Trước đây, gia đình chủ yếu làm nghề xay xát lúa gạo gia công và khi thấy tiềm năng việc kinh doanh gạo tại địa phương phát triển, tôi làm thêm dịch vụ thu mua lúa. Ngày trước tại thị trấn, giống lúa người dân sản xuất chính là Tài nguyên, do gạo ngon nên các giống lúa khác dần bị đẩy lùi. Do đó, gạo Tài nguyên được xuất bán tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và được phần lớn giới thượng lưu chọn để ăn”.

Cũng theo ông Lý Khoa, về sau, do sự phát triển chung của nền nông nghiệp nên địa phương có nhiều giống lúa mới được người dân sản xuất, giống lúa Tài nguyên dần bị thay thế. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã quen với cây lúa Tài nguyên nên vẫn canh tác vào vụ Đông - Xuân. Chính từ việc sản xuất các giống lúa khác nhau trên cùng cánh đồng nên việc lẫn các loại lúa khác vào lúa Tài nguyên đã ảnh hưởng phần nào chất lượng gạo, cùng với đó là người dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất lúa. Người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn các loại gạo để ăn, vì ngoài gạo được sản xuất trong nước, họ còn lựa chọn gạo nhập khẩu nên gạo Tài nguyên đã trở thành “phổ thông”, không còn dành cho giới thượng lưu. Từ đó đã đẩy giá trị hạt gạo xuống thấp hơn so trước đây.

undefined

Ông Khoa thông tin thêm: “Để phục vụ cho việc xuất bán gạo tại các tỉnh, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng vùng trồng lúa theo quy trình an toàn và trồng theo quy trình tự do. Từ đó, phân ra 2 dòng sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng và từng loại gạo bán với giá khác nhau, chênh lệch từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg, tùy vào sự lựa chọn của khách. Theo từng năm, tôi bao tiêu khoảng 100ha lúa Tài nguyên của nông dân trên địa bàn thị trấn Hưng Lợi, sản xuất theo hướng an toàn, với giá 6.600 đồng/kg và cộng thêm 10% giá chêch lệch thị trường. Theo tính toán, bình quân tôi xuất bán khoảng 100 tấn gạo Tài nguyên đi các tỉnh, giá bán gạo an toàn 16.000 đồng/kg.

Hiện tại, DNTN Châu Hưng đang thực hiện quy trình đóng gói gạo bằng phương pháp hút chân không, gói có các loại: 2kg, 5kg và 20kg để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn với tên gọi gạo Phú Khang, Tài nguyên Thạnh Trị có địa chỉ cụ thể để khách hàng phân biệt với các dòng gạo khác nhằm tránh sự nhầm lẫn, vì đơn vị là doanh nghiệp đầu tiên được huyện giao khai thác nhãn hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang thực hiện tiêu chuẩn HACCP (phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn của hạt gạo Tài nguyên) - đây là sự phân tích hạt gạo theo chuỗi từ vùng trồng trọt đến nhà máy và bán ra thị trường nhằm đảm bảo chất lượng bên trong hạt gạo đảm bảo tuyệt đối hạt gạo sạch tới tay người dùng.

Theo ông Khoa, sau khi được Viện lúa phục tráng thành công, có nhãn hiệu, ông mong muốn gạo được xuất khẩu ra nước ngoài để giới thiệu bạn bè quốc tế biết đến hạt gạo của người dân Thạnh Trị sản xuất. Tuy nhiên, việc chào hàng đối với doanh nghiệp còn gặp khó khăn vì theo chuẩn xuất khẩu, hạt gạo phải dài, trong và đạt kích cỡ, trong khi đó gạo Tài nguyên có đặc điểm hạt nhỏ, đục, “nghịch” với tiêu chuẩn nên việc xuất khẩu có thể không được khả quan. Thêm vào đó, muốn xuất khẩu phải xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện diện tích lớn hơn và mùa vụ phù hợp, nhưng giống lúa Tài nguyên chỉ làm được vụ Đông - Xuân. Với thực trạng trên, doanh nghiệp mong được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành có hướng quảng bá, giới thiệu gạo Thạnh Trị tới những doanh nghiệp nước ngoài.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị Nguyễn Thanh Phụng cho biết: “Giống lúa Tài nguyên Thạnh Trị được gọi chung là lúa đặc sản, chỉ canh tác vụ Đông - Xuân. Hàng năm, huyện quy hoạch trồng khoảng 7.000ha, tập trung tại xã Châu Hưng, thị trấn Hưng Lợi và một phần các xã: Tuân Tức, Thạnh Trị... Lúa Tài nguyên chỉ trồng ở vùng đất cao mới cho chất lượng gạo ngon, đạt yêu cầu. Ngoài DNTN Châu Hưng, hướng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trao nhãn hiệu cho đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện nếu có đủ thế mạnh, tiềm năng nhằm khai thác, quảng bá hạt gạo Tài nguyên Thạnh Trị đi các tỉnh bạn”.

Theo Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị 09/04/2018

http://gaotainguyenthanhtri.com/p/about/

Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị (05/12/18)

Huỳnh Hoàng Chiến

Huỳnh Hoàng Chiến
Hỗ trợ Kỹ thuật
ĐT: 090 888 6647

SATAKE TOÀN CẦU
Thông tin đặt hàngX